Hệ lụy khôn lường từ rượu bia không rõ nguồn gốc
Kinhtedothi - 63% lượng rượu bia tiêu thụ ở Việt Nam vẫn chưa được quản lý, chỉ có 30% thị trường nộp thuế… làm thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, gây hại sức khỏe người dùng với nguy cơ ngộ độc.
Đây là thực trạng được Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê chỉ ra.
Thực trạng đồ uống có cồn bất hợp pháp
Theo ông Nguyễn Đức Lê, hiện sản phẩm nhập lậu chủ yếu qua tuyến biên giới, cửa khẩu Tây Nam, miền Trung; tăng cao dịp lễ, Tết qua đường hàng không; tiêu thụ chủ yếu ở bar, vũ trường hoặc làm quà biếu.
Đối với sản phẩm giả các đối tượng thường dùng vỏ chai rượu, bia các nhãn hiệu nổi tiếng đã qua sử dụng nhưng còn mới cùng với nắp, nút giả, được pha chế từ những loại cồn, rượu có giá trị thấp; xâm phạm quyền SHTT; sử dụng tem chống rượu giả rất giống tem thật nhằm lừa dối, gây nhầm lẫn người tiêu dùng.
Còn sản phẩm thủ công tự nấu, tự pha chế, kinh doanh rượu, bia không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm, sử dụng hóa chất, nguyên liệu, phụ gia, hương liệu không bảo đảm chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Với sản phẩm trốn thuế thường sản xuất, kinh doanh rượu, bia mang thương hiệu nội địa vượt sản lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, không khai báo nhằm trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh với các đơn vị khác trong ngành
Chỉ ra tồn tại và nguyên nhân, ông Nguyễn Đức Lê cho rằng, sản xuất, buôn bán đồ uống có cồn bất hợp pháp tồn tại do lợi nhuận cao mang lại; Thói quen mua hàng khá dễ tính của người tiêu dùng như mua hàng không lấy hóa đơn, chứng từ, không kiểm tra tem, nhãn,... đối với đồ uống có cồn.
Vấn đề kiểm soát, công tác quản lý Nhà nước đối với mặt hàng rượu, bia thủ công còn rất khó khăn do việc sản xuất rượu, bia thủ công đơn giản, nhất là mặt rượu thủ công được thực hiện chủ yếu tại các hộ gia đình (hầu hết ở khu vực nông thôn). Việc mua bán đối với mặt hàng này cũng được thực hiện một cách dễ dàng. Trong khi đó, nguyên nhân từ các vụ ngộ độc rượu lại chủ yếu đến từ việc sử dụng, lạm dụng mặt hàng này trong đời sống sinh hoạt của người dân;
Công tác kiểm tra, xử lý về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng chưa nhận được sự phối hợp, cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả của một số doanh nghiệp sản xuất, chủ sở hữu quyền; chi phí giám định cao, thời gian giám định dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
"Hiện 63% lượng rượu bia tiêu thụ ở Việt Nam vẫn chưa được quản lý, chỉ có 30% thị trường nộp thuế… làm thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, gây hại sức khỏe người dùng với nguy cơ ngộ độc" - ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.
Quản lý thị trường tích cực vào cuộc
Đứng trước thực trạng đó, lực lượng QLTT thời gian qua xác định mặt hàng rượu, bia là mặt hàng trọng điểm, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt nhằm bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.